Thực hiện đúng, đủ quy trình giao nhận xe khi bảo dưỡng, sửa chữa là điều quan trọng nhằm tránh các tranh chấp nếu có lỗi phát sinh.
Bảo dưỡng, hoặc thay thế, sửa chữa các bộ phận hao mòn là một việc làm định kỳ nhằm giúp xe luôn vận hành trong trạng thái tốt nhất. Đây là những công việc nên được thực hiện tại trung tâm bảo dưỡng chính hãng hoặc các garage sửa chữa uy tín. Trong quá trình bảo dưỡng hoặc sửa chữa, chủ xe cần lưu ý một số vấn đề nhằm tránh tranh chấp xảy ra nếu có sự cố bất ngờ, ví dụ sau khi bảo dưỡng xe hỏng đột ngột.
Ông Tuấn Anh, chuyên gia kỹ thuật dịch vụ một hãng xe Nhật tại Việt Nam cho biết, đầu tiên, trước khi thực hiện bảo dưỡng và sửa chữa, chủ xe cần biết hiện trạng của xe, bao gồm tình trạng hoạt động, lỗi nếu có, các chi tiết cần thay thế, các chi tiết bất thường (mùi lạ, tiếng động lạ, chảy dầu...) cần kiểm tra. Ngoài ra, chủ xe có thể cung cấp thêm thông tin về lần cuối thực hiện bảo dưỡng, các hạng mục đã làm để trung tâm hoặc garage có thể đưa ra những tư vấn chính xác. Trước khi mang xe đến đến trung tâm dịch vụ, chủ xe nên dọn tư trang, giấy tờ quan trọng trên xe.
Tiếp theo, khi đàm phán với cố vấn dịch vụ tại cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa, chủ xe nên yêu cầu được giải trình chi tiết các hạng mục được thực hiện để biết rõ vì sao xe cần làm những việc này, có cần thiết phải thực hiện hay không. Ví dụ các gói spa xe. Thời gian thực hiện, hoặc thời gian đặt hàng linh kiện thay thế cũng là vấn đề cần được làm rõ.
Nếu đã đồng ý với các hạng mục sẽ thực hiện, chủ xe sẽ ký tên vào bảng báo giá để xác nhận, biên bản bàn giao xe/chìa khóa có ghi rõ chi tiết hiện trạng xe trước khi thực hiện. Đây là những giấy tờ quan trọng, nhằm xác minh sự đồng thuận của cả hai bên khách hàng - cơ sở dịch vụ trong việc bàn giao, bảo dưỡng, sửa chữa xe. Chủ xe nên yêu cầu những văn bản này, có ký xác nhận của cả hai bên trước khi giao xe.
Khi xe sửa chữa, bảo dưỡng xong, chủ xe sẽ được bàn giao lại xe/chìa khóa cùng biên bản giao nhận, hóa đơn cho dịch vụ đã thực hiện. Tại bước này, chủ xe nên kiểm tra kỹ các hạng mục đã thực hiện cùng nhân viên kỹ thuật hoặc cố vấn dịch vụ, đảm bảo xe đã thực hiện đúng và đủ các việc cần làm. Sau khi đảm bảo mọi thứ đúng chuẩn, chủ xe mới nên ký vào biên bản bàn giao xe và thanh toán hóa đơn.
Trong trường hợp xảy ra những sự cố sau khi thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa, tài xế nên giữ nguyên hiện trạng, và thông báo với cơ sở thực hiện dịch vụ để xác định nguyên nhân. Ông Tuấn Anh cho rằng việc hư hỏng sau khi sửa chữa hoặc bảo dưỡng xe không hiếm, nhưng nếu cả hai bên khách hàng và cơ sở dịch vụ thực hiện đúng và đủ quy trình chuẩn khi tiếp nhận, bàn giao xe, việc xác định trách nhiệm thuộc về bên nào rất dễ dàng.
Vị này cho biết, quy trình bảo dưỡng, sửa xe chuẩn luôn bao gồm việc xác định tình trạng xe trước khi giao nhận, bao gồm chụp hình ảnh xe, xác định mức xăng, số km đã di chuyển, hiện trạng các vết trầy hoặc móp có sẵn trên thân xe, các lỗi hiện có... Những đặc điểm của xe trước khi giao được khách hàng và cơ sở dịch vụ xác nhận bằng văn bản có chữ ký của hai bên.
Tương tự, việc nhận xe sau khi thực hiện quá trình sửa chữa, bảo dưỡng xe cũng rất quan trọng. Đây là lúc cả chủ xe và đại diện cơ sở dịch vụ đồng kiểm, và đảm bảo mọi thức hoạt động bình thường trước khi ký giấy xác nhận bàn giao. Vì xe là tài sản có giá trị cao, nên quy trình giao nhận xe tại các trung tâm hiện nay được làm rất chặt, nhằm tránh xảy ra các tranh chấp không đáng có. Chủ xe cần đảm bảo xe hoạt động bình thường, không hỏng hóc, các lỗi đã được khắc phục khi tiếp nhận xe, vì một khi đã ký vào biên bản bàn giao, rất khó để đổ trách nhiệm cho bên thực hiện dịch vụ.
(Nguồn: https://vnexpress.net/nhung-dieu-can-nho-khi-bao-duong-xe-tranh-tranh-chap-4596375.html)
679 Triệu
2,390 Tỷ
650 Triệu
1,220 Tỷ
1,780 Tỷ